Tin tứcNgày: 27-12-2018 bởi: Trịnh Vũ Khoa
Khai thác lợi thế phát triển dịch vụ logistics
Theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh có hệ thống cảng biển Hòn Gai, Cái Lân, các khu công nghiệp, các cửa khẩu được quy hoạch 1 trung tâm logistics hạng II của hành lang kinh tế ven biển Đông Bắc Bắc Bộ. Nhằm khai thác các lợi thế về vị trí địa lý, Quảng Ninh đã không ngừng đầu tư phát triển dịch vụ logistics, thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu, từng bước trở thành trung tâm logistics khu vực phía Bắc.
Hạ tầng khu vực cảng Cẩm Phả được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu của dịch vụ logistics. Ảnh: Lê Hải
Xác định hạ tầng là một trong những yếu tố then chốt phát triển logistics, do đó Quảng Ninh đã và đang tập trung đầu tư cải thiện mạnh mẽ, đồng bộ từ giao thông cho tới kho, bãi, cảng. Bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã dành nguồn lực không nhỏ đầu tư hoàn thành các tuyến đường như: Hạ Long – cầu Bạch Đằng, dự án thành phần số 3 tuyến cao tốc đoạn Cẩm Hải – Vân Đồn, đường từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng xuống KCN Nam Tiền Phong, Cảng hàng không Quảng Ninh, đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long – Mông Dương theo hình thức BOT, cầu Bắc Luân II… Đồng thời, đẩy mạnh triển khai đầu tư đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả, nâng cấp QL18 đoạn Đông Triều – Uông Bí… Các công trình này sẽ tạo nên một hệ thống giao thông mang tính kết nối đồng bộ giữa Quảng Ninh với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, qua đó, góp phần đảm bảo vận chuyển hàng hóa, giảm thiểu các chi phí.
Cùng với đó, hệ thống cảng biển, bến cảng, cảng thuỷ nội địa cũng được đầu tư khá mạnh với 5 khu bến và bến cảng, bao gồm: Cảng Cái Lân, cảng Cẩm Phả, cảng Mũi Chùa, cảng Vạn Gia, cảng cạn ICD Thành Đạt… Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 43 cảng thuỷ nội địa, 68 bến hàng hoá thuỷ nội địa được đầu tư đồng bộ và 19 kho ngoại quan đều có diện tích tối thiểu trên 5000m2. Đi liền với đó là các dịch vụ: Vận tải, cho thuê kho, bãi, xếp dỡ, đóng gói, phân phối sản phẩm… cũng được cung cấp kịp thời đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Người dân thực hiện thủ tục xuất nhập cảng tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, một trong những giải pháp trọng tâm phát triển logistics mà Quảng Ninh đã thực hiện xuyên suốt đó là cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá các thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Trong đó, tỉnh đã triển khai thủ tục hải quan điện tử nhằm hỗ trợ người khai hải quan thực hiện khai báo mọi nơi, mọi lúc, mọi phương tiện; rút ngắn thời gian thông quan/giải phóng hàng hóa còn 36 giờ đối với hàng xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng nhập khẩu; xây dựng mô hình thực hiện thủ tục hải quan và quản lý hải quan tập trung tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái; triển khai chữ ký số cho 100% doanh nghiệp làm thủ tục hải quan trên địa bàn tỉnh; lắp đặt máy soi container tại các chi cục có hàng hóa container… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa, tiết kiệm chi phí, góp phần thúc đẩy xuất, nhập khẩu.
Song song với đó, các lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát người, hàng hoá và phương tiện trong các khu vực cửa khẩu chặt chẽ, thông thoáng, minh bạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực phối hợp với nhau thường xuyên, thông tin kịp thời, đảm bảo công tác chống buôn lậu.
Đáng chú ý, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi tiên phong trong việc ban hành kế hoạch chuyên biệt về phát triển logistics đến năm 2025. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND về việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Kế hoạch cho thấy nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của logistics đối với kinh tế – xã hội địa phương Quảng Ninh. Đây sẽ là “kim chỉ nam” để đến năm 2020, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 16-18% vào ngành dịch vụ của tỉnh, đạt từ 6-7% GRDP; đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 18-20% vào ngành dịch vụ, đạt từ 8-10% GRDP của tỉnh.
Đồng thời, hình thành 6 trung tâm logistics gồm: Trung tâm logistics Cái Lân (Hạ Long); Trung tâm logistics Vân Đồn, kết nối chuỗi cảng hàng không Vân Đồn – cảng Hòn Nét (TP Cẩm Phả); Trung tâm logistics Quảng Yên; Trung tâm logistics khu hợp tác kinh tế Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc); Trung tâm logistics Hải Hà; Trung tâm logistics Bình Liêu.
Hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra chương trình hành động cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay như: Tập trung phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hoá, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước; phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược của tỉnh để Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế của cả vùng; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics.
Song song với đó, tỉnh sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách, khuyến khích phát triển logistics đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics khu vực phía Bắc.
Cao Quỳnh
Nguồn: Báo Quảng Ninh