Tin tứcNgày: 13-12-2018 bởi: Trịnh Vũ Khoa
Logistics khơi thông dòng chảy kinh tế
Thực tế cho thấy dịch vụ logistics trên địa bàn Quảng Ninh còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa tương xứng với lợi thế...
Tuy vậy, trao đổi với PV DĐDN, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh tin tưởng: Lĩnh vực logistics ở Quảng Ninh rất có dư địa phát triển.
Trung tâm logistics Cái Lân-VOSA, Quảng Ninh có cảng cạn ICD Thành Đạt gắn với điểm xuất hàng đã được đầu tư 295 tỉ đồng trên diện tích 49,7ha tại phường Hải Yên, TP Móng Cái và dự kiến sẽ tiếp tục được mở rộng thêm 49ha với tổng vốn đầu tư lên đến 1.200 tỉ đồng
Hạ tầng đi trước một bước
Những năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông của Quảng Ninh được đầu tư khá lớn. Trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành các khu vực kho bãi, dịch vụ hậu cần cảng, cửa khẩu có cơ sở hạ tầng được đánh giá tương đương với tiêu chí của trung tâm logistics.
Cùng với trung tâm logistics Cái Lân-VOSA, Quảng Ninh có cảng cạn ICD Thành Đạt gắn với điểm xuất hàng đã được đầu tư 295 tỉ đồng trên diện tích 49,7ha tại phường Hải Yên, TP Móng Cái và dự kiến sẽ tiếp tục được mở rộng thêm 49ha với tổng vốn đầu tư lên đến 1.200 tỉ đồng. Móng Cái đến thời điểm này vẫn là khu vực phát triển năng động nhất trên lĩnh vực logistics của Quảng Ninh. Khu vực huyện Hải Hà đang hình thành hạ tầng Khu công nghiệp Texhong với chính sách ưu đãi thu hút mạnh các nhà đầu tư thứ cấp sẽ là điểm đến tiềm năng phát triển đột phá logistics. Gần đó là trung tâm logistics cửa khẩu Hoành Mô – Đồng Văn, huyện Bình Liêu đã được phê duyệt quy hoạch trên diện tích 27,3ha.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện còn có nhiều dự án liên quan đến dịch vụ logistics tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. Trong đó, 37 dự án vốn trong nước, 6 dự án có vốn nước ngoài đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xây dựng kho, bến, bãi với tổng vốn đầu tư rất lớn: 9.597 tỉ đồng và 536 triệu USD.
Hệ thống cảng biển tại Quảng Ninh có: Cái Lân, Cẩm Phả, Mũi Chùa, Vạn Gia, khu bến Hưng Yên và một bến cảng Hải Hà đang được xây dựng. Hệ thống bến cảng thủy nội địa được hình thành gồm: 43 cảng và 68 bến hàng hóa. Hệ thống kho ngoại quan có 19 kho cùng với mạng lưới 27 đại lý Hải quan đang hoạt động tại các cảng biển và cửa khẩu đất liền.
Tỉnh có 194 doanh nghiệp làm dịch vụ bốc xếp hàng hóa, kho bãi, lưu giữ hàng hóa và 4.520 doanh nghiệp đang hoạt động dịch vụ logistics liên quan đến vận tải.
Nhược điểm lớn nhất trong lĩnh vực logistics tại Quảng Ninh là hệ thống hạ tầng tuy phong phú nhưng chưa đồng bộ, nhất là chưa có sự kết nối với đường sắt. Hệ thống hậu phương sau cảng còn yếu, giao thông đường bộ nhiều điểm ùn tắc. Dịch vụ logistics còn thiếu sản phẩm chuỗi, giải pháp trọn gói; còn thiếu sự gắn kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu và logistics.
Trở thành trung tâm logistics vùng
Đáng chú ý, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi tiên phong trong việc ban hành kế hoạch chuyên biệt về phát triển logistics đến năm 2025. UBND tỉnh có Kế hoạch số 14/KH-UBND “về việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. Điều này cho thấy nhận thức rõ ràng của lãnh đạo Quảng Ninh về tầm quan trọng của logistics đối với nền kinh tế địa phương.
Quảng Ninh hoạch định ra 6 trung tâm logistics gồm: Cái Lân, Vân Đồn, Quảng Yên, Móng Cái, Hải Hà và Bình Liêu. Tổng diện tích đất dành cho các khu logistics lên tới hơn 6.500 ha. Trong đó, lớn nhất là Vân Đồn và Quảng Yên. Riêng khu vực Quảng Yên tỉnh xác định kết nối với trung tâm logistics lớn của thành phố Hải Phòng là Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.
Ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh từng khẳng định: “Xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua Quảng Ninh đã tập trung đầu tư hạ tầng, chuẩn bị điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics. Cùng với Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, tỉnh đã chọn địa điểm phát triển trung tâm logictics lớn tại thị xã Quảng Yên. Đây là việc làm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh liên kết phát triển, phấn đấu đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế của cả vùng Duyên hải phía Bắc”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh tin tưởng: “Lĩnh vực logistics ở Quảng Ninh rất có dư địa phát triển. Đó là, một số dự án lớn đang đầu tư vào Quảng Yên như dự án Atmanta, KCN Tiền Phong, Khu đầm nhà Mạc... Khi đặc khu kinh tế Vân Đồn đi vào hoạt động chắc chắn sẽ kéo theo dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ, không chỉ du lịch mà dịch vụ sau cảng hàng không cũng sẽ có cơ hội mở ra. Các logistics khu vực khu kinh tế, khu vực cửa khẩu trước đây tự phát, manh mún. Nay đi vào quy hoạch sẽ phát triển đồng bộ, bài bản hơn. Ví dụ, các kho, bãi khu vực Móng Cái phát triển rời rạc, bây giờ quy hoạch thành một khu hoàn chỉnh”.
Theo ông Hà, sự phát triển đồng bộ giữa Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ tạo ra sự tác động tương hỗ. Nếu Hải Phòng phát triển mạnh về dịch vụ cảng thì Quảng Ninh sẽ phát triển các dịch vụ bổ trợ sau cảng, khi cảng cửa ngõ Lạch Huyện đi vào hoạt động. Sự kết nối sẽ tạo động lực phát triển chung cho các địa phương.