Giỏ hàng
Thực trạng hệ thống trung tâm logistics ở Việt Nam

Tin tứcNgày: 27-12-2018 bởi: Trịnh Vũ Khoa

Thực trạng hệ thống trung tâm logistics ở Việt Nam

(VLR) Ngày 16.1.2012, Hội nghị lần thứ 4 BCH TW khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ngày 16.1.2012, Hội nghị lần thứ 4 BCH TW khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nghị quyết đã đề ra các quan điểm, mục tiêu, định hướng và các giải pháp chủ yếu phát triển đồng bộ các hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội trên phạm vi cả nước và từng ngành, lĩnh vực, từng vùng kinh tế và từng địa phương. Trong đó, Nghị quyết đã khẳng định, Trung tâm logistics (TT logistics) là hạ tầng thương mại có vị trí, vai trò rất quan trọng và rất cần thiết. Như chúng ta đã biết logistics là một hoạt động thương mại, theo đó là một chuỗi kết nối liên hoàn các khâu, mỗi khâu lại là sự tích hợp của nhiều dịch vụ, được quản lý và điều hành theo sát dòng vận động vật chất (chu chuyển) của hàng hóa từ điểm cuối của sản xuất đến điểm đầu của tiêu dùng với mục tiêu tối thiểu hóa chi phí. Ở các nước phát triển, logistics luôn tồn tại bên cạnh các kênh lưu thông hàng hóa như hình với bóng, quyết định việc giảm thiểu chi phí cho hoạt động của các kênh này, qua đó mà giảm thiểu chi phí chung cho cả nền kinh tế, đồng thời tạo ra giá trị tăng thêm cho hàng hóa và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên cho đến nay, dịch vụ logistics của VN vẫn đang ở thời kỳ manh nha. Các DN kinh doanh dịch vụ logistics còn ở dạng bán chuyên nghiệp, chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu và mới cung cấp được một số ít các dịch vụ. Hạ tầng cho logistics nói chung còn nghèo nàn, qui mô nhỏ, trình độ phát triển thấp, bố trí chưa hợp lý.

Từ năm 2007, các nhà đầu tư đã bắt đầu xây dựng các TT logistics (logistics distribution center) tại VN. Đến nay, một số TT logistics đã hoạt động và phần nào làm thay đổi bộ mặt ngành logistics VN, dù những trung tâm này đang còn trong giai đoạn sơ khai và hoạt động chưa hiệu quả. Về số lượng, cả nước hiện có 6 TT logistics đã đi vào hoạt động: TT logistics Cái Lân-VOSA (Quảng Ninh), TT logistics Green-Đình Vũ (Hải Phòng), TT logistics Geodis Wilson Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), TT tiếp vận Schenker Germadept (Bình Dương), TT Logistics Gemadept Sóng Thần (Bình Dương), TT logistics Damco Bình Dương (hay còn gọi là trung tâm kho vận đa năng Damco). Ngoài ra còn có một số trung tâm đang xây dựng hoặc mới được cấp giấy phép đầu tư và cấp đất như: TT logistics Kerry Hưng Yên (H. Mỹ Hào, Hưng Yên), TT logistics Kerry Đà Nẵng (KCN Hòa Khánh, TP. Đà Nẵng), TT Logistics tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng, TT logistics Kim Thành (Lào Cai). Các TT logistics hiện có đều được thành lập trong vòng 3 năm gần đây, từ 2009 đến 2012 (Bảng 01). Trong đó,1 trung tâm được thành lập năm 2009, 2 trung tâm được thành lập năm 2011 và 3 trung tâm được thành lập năm 2012. Như vậy có thể thấy, số lượng các trung tâm được thành lập đã tăng dần theo thời gian. Vùng Đông Nam bộ với hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động và vị trí đắc địa, nhiều cảng biển, thuận lợi cho phát triển dịch vụ logistics nên các TT logistics được hình thành sớm và nhiều nhất. Đến năm 2012, hai TT logistics đầu tiên ở miền Bắc cũng đã được thành lập.

Bảng 1: Số lượng TT logistics phân theo năm thành lập

TT

Vùng / Tên trung tâm

Tỉnh/thành

Năm thành lập


Miền Bắc



1

TT Logistics Cái Lân - VOSA

Quảng Ninh

23.2.2012

2

TT Logistics Green - KCN Đình Vũ

Hải Phòng

1.11.2012


Miền Nam



3

TT Logistics Geodis Wilson Cát Lái

TP. Hồ Chí Minh

6.2012

4

TT Tiếp vận Schenker Gemadept

Bình Dương

2009

5

TT Logistis Gemadept Sóng Thần

Bình Dương

2011

6

TT Logistics Damco

Bình Dương

2011

Nguồn: Số liệu điều tra và tổng hợp của tác giả

Theo kết quả điều tra cho thấy tổng diện tích chiếm đất của các TT logistics hiện nay là không lớn (279,8ha). Trong đó, diện tích các trung tâm ở miền Nam là 265,1ha, chiếm tới 94,7% tổng diện tích các trung tâm trên cả nước. Diện tích trung bình của các TT logistics này khá nhỏ, có tới 5/6 trung tâm có diện tích dưới 10ha, chỉ duy nhất 1 trung tâm có diện tích rất lớn tới 250ha là TT logistics Geodis Wilson Cát Lái. Các TT logistics chủ yếu làm dịch vụ hậu cần cho DN trong 1 tỉnh/thành phố. Các TT logistics đều được đặt ở những vị trí thuận lợi, tận dụng lợi thế về cảng biển, cảng sông, liền kề hoặc ở trong các khu công nghiệp và có thể kết nối được với các phương thức vận tải khác nhau. Cụ thể là, TT logistics Cái Lân - VOSA Quảng Ninh có vị trí kề với cảng Cái Lân; TT logistics Green đối diện hệ thống cảng Đình Vũ; TT logistics Damco Bình Dương có vị trí thuận lợi có thể kết nối chặt chẽ với hệ thống giao thông đường bộ và dễ dàng kết nối hai cảng Cát Lái và Cái Mép. TT Logistics Geodis Wilson Cát Lái nằm trong khu vực cảng Cát Lái; TT logistics Green nằm trong KCN Đình Vũ, Hải Phòng; TT Tiếp vận Schenker Gemadept (SGL) và TT logistics Gemadept Sóng Thần đều nằm trong KCN Sóng Thần, Bình Dương. Trong đó:

- TT logistics Cái Lân - VOSA phục vụ các loại hình dịch vụ logistics cho cả nhà sản xuất và nhà phân phối với các mặt hàng chính là hóa chất, nông sản, hàng tiêu dùng, thiết bị máy móc. Trung tâm có ưu thế về lưu trữ mặt hàng nông sản với 6.700m2 nhà kho chuyên dụng.

- TT logistics Damco phục vụ nhu cầu hoạt động vận tải, xuất nhập khẩu quy mô lớn cho các DN tại Bình Dương và các tỉnh thành phía Nam.

- TT Tiếp vận Schenker Gemadept cung cấp các dịch vụ kho vận, tiếp vận và thông quan cho các DN sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp Sóng Thần và trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Trung tâm phục vụ chính cho các ngành có sản phẩm công nghệ cao, điện tử, hàng công nghiệp, hóa phẩm, may mặc và tiêu dùng.

- TT logistics Gemadept Sóng Thần với kho ngoại quan hàng bách hóa hiện đại, cung cấp dịch vụ kho vận, thực hiện các thủ tục liên quan đến việc xuất nhập hàng hóa như quản lý xuất - nhập, kiểm kê phân phối, xếp dỡ đóng gói bao bì, quản lý hàng hóa & báo cáo tồn kho, kiểm đếm vận tải.

- TT Logistics Geodis Wilson Cát Lái cung cấp các dịch vụ lưu trữ, logistics giá trị gia tăng, giao hàng đến cửa hàng, trang bị và lắp ráp sơ bộ hàng hóa.

Hiện có, 3/6 TT logistics được phân bố tại tỉnh Bình Dương, chiếm tới 50% tổng số trung tâm, các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng và TP.HCM, mỗi tỉnh, thành phố có 1 trung tâm. Thực tế cho thấy các TT logistics có cơ sở vật chất ngày càng hiện đại do các DN đầu tư vào loại hình này chủ yếu là các DN lớn trong nước hoặc liên doanh với tập đoàn hàng đầu của nước ngoài nên có lợi thế về vốn và công nghệ. Ví dụ như TT logistics Green - KCN Đình Vũ (Hải Phòng) có vốn đầu tư 168 tỉ đồng, TT Tiếp vận Schenker Gemadept (Bình Dương) có tổng vốn đầu tư 5,5 triệu USD, TT logistics Damco (Bình Dương) có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 4 triệu USD. Bên cạnh đó là một số dự án kho vận cũng được đầu tư với số vốn khá lớn như: khu kho vận Maple Tree (khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị Bình Dương) rộng 68ha, vốn đầu tư 110 triệu USD; khu kho vận YCH-Protrade (phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương) diện tích 6,9ha, vốn đầu tư 14 triệu USD.

Công suất thiết kế của một số TT logistics TT logistics Cái Lân - VOSA có công suất container lưu chuyển trong năm là 2000 TEU/năm, lượng hàng rời lưu chuyển trong năm là 500.000 tấn/năm, TT logistics Green - KCN Đình Vũ có công suất container lưu chuyển trong năm là 100.000 TEU/năm, TT logistics Gemadept Sóng Thần có công suất container lưu chuyển trong năm là 60.000 pallet chuẩn tương đương 90.000 CBM (khối). Hệ thống kho của các TT logistics hiện có khá đa dạng về chủng loại, trong đó, hầu hết các trung tâm có kho ngoại quan và kho nội địa, một số trung tâm có các kho hàng đặc biệt như kho nông sản, kho cà phê,… với những yêu cầu và tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên biệt như hệ thống kiểm soát độ ẩm, hệ thống thông gió. Trong đó, hệ thống kho của TT logistics Geodis Wilson Cát Lái có sức chứa và lưu chuyển đến 2 triệu món hàng mỗi năm, kho hàng CFS của TT logistics Damco có sức chứa 1 triệu m3/năm, được xây dựng theo các tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu của Damco với hệ thống quản một‎ kho bãi hiện đại. Các TT logistics (trừ Cái Lân – VOSA) đều được trang bị các trang thiết bị bốc xếp như hệ thống kệ, hệ thống cửa xuất nhập, hệ thống sàn nâng tự động (Dock Levelers). Trong đó, TT logistics Germadept Sóng Thần gồm 3 trung tâm phân phối thành phần, trung tâm phân phối số 1 hiện đã đưa vào khai thác có hệ thống kệ 5 tầng, 16 cửa xuất nhập, 6 sàn nâng tự động, trung tâm phân phối 2 dự kiến hoạt động trong năm 2013 có tương ứng 7 tầng, 30 cửa và 22 chiếc sàn nâng tự động.

Có thể thấy rằng, về số lượng và phân bố, các trung tâm logisitics VN có số lượng không nhiều, mới phát triển trong những năm gần đây và tập trung chủ yếu ở một số KCN phía Nam. Vị trí đặt các TT logistics hiện có đều có thể kết hợp được từ hai phương thức vận tải trở lên.

Thứ hai, về quy mô và phạm vi dịch vụ các trung tâm nhìn chung còn nhỏ và chủ yếu phục vụ một số DN trong khu vực KCN hoặc một tỉnh, thành, chưa phát triển đến quy mô phục vụ một ngành hoặc một vùng kinh tế. Phần lớn các TT có quy mô đầu tư chưa đồng bộ nên đã hạn chế vai trò cũng như các chức năng cơ bản của một TT logistics. Các trung tâm logistics VN còn thiếu nhiều dịch vụ đặc thù để tạo ra giá trị gia tăng cao cho khách hàng sử dụng dịch vụ của trung tâm. Lượng khách hàng có thể phục vụ được còn ít, quy mô và chất lượng dịch vụ hạn chế là những yếu tố dẫn đến các TT logistics chưa thể đóng vai trò là điểm thu hút đầu tư trong nước và quốc tế.

Thứ ba, tính liên hoàn liên kết giữa các TT logistics chưa cao. Từng trung tâm được đầu tư chủ yếu để phục vụ lợi ích của DN kinh doanh dịch vụ TT logistics mà chưa phối hợp trong định hướng chung, chính sách chung phục vụ cho lợi tích và chính sách kinh tế - xã hội của một tỉnh, thành phố hay địa phương nào.

Và cuối cùng tiềm lực vật chất và kĩ năng quản lý tổ chức, điều hành toàn bộ chuỗi dịch vụ logictics của các TT logistics còn chưa cao, dù trong phạm vi hẹp là phục vụ quá trình lưu thông hàng hóa. Vì vậy trong thời gian tới VN cần xây dựng các TT logistics hiện đại, cung cấp đồng bộ và trọn gói các dịch vụ hậu cần cho mạng lưới phân phối hàng hóa trên thị trường cả nước cũng như thị trường các vùng và các hành lang kinh tế phục vụ cho hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.