Tin tứcNgày: 28-12-2018 bởi: Trịnh Vũ Khoa
Quảng Ninh sẽ là trung tâm logistics
Mục tiêu phát triển đến năm 2020, tỷ trọng đóng góp của logistics Quảng Ninh đạt từ 16- 18% vào ngành dịch vụ và đạt từ 6-7% GRDP của tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh vừa chính thức ban hành Kế hoạch số 14/KH-UBND về việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Ngành dịch vụ quan trọng
Theo kế hoạch, mục đích nhằm xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh thành ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, gắn với phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.
Cảng quốc tế Cái Lân đón tàu container cỡ lớn trên 5.000 TEUs. (Nguồn: BQN)
Đồng thời, phát triển thị trường dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phù hợp với tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Cùng với đó, phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược của tỉnh, có cửa khẩu quốc tế Móng Cái (TP. Móng Cái) và hai cửa khẩu quốc gia là Hoành Mô (huyện Bình Liêu) và Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) tại khu vực biên giới, tiếp giáp một thị trường có dân số đông, kinh tế phát triển năng động của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đặc biệt, Quảng Ninh còn nằm ở vị trí trung tâm của hai hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai - Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Nam Ninh – Bằng Tường – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ thuận lợi để Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế cả vùng.
Để phát triển được dịch vụ logistics, Quảng Ninh đã đặt kế hoạch tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tăng về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế; triển khai các chính sách, pháp luật của Nhà nước về dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ này trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Mục tiêu phát triển đến năm 2020, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 16-18% vào ngành dịch vụ của tỉnh, đạt từ 6-7% GRDP của tỉnh; đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 18-20% vào ngành dịch vụ của tỉnh, đạt từ 8-10% GRDP của tỉnh; đồng thời, hình thành các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh với tiêu chuẩn cung cấp các dịch vụ logistics trọn gói 3PL, 4PL, 5PL tại khu vực TP Hạ Long, khu vực Vân Đồn, Cẩm Phả, TX. Quảng Yên, cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà), cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu).
Phục vụ kinh tế vùng
Hệ thống cảng biển của Quảng Ninh có những ưu thế vượt trội bởi có vùng nước sâu, ít bị bồi lắng, quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển của tỉnh phát triển khá hợp lý đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Với 250 km đường biển, Quảng Ninh hiện có sáu cụm cảng nằm trong nhóm cảng biển phía Bắc (Vạn Gia, Hải Hà, Mũi Chùa, Cẩm Phả, Hòn Gai và Quảng Yên), cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường biển, phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Có bốn trong tổng số sáu cảng biển trên địa bàn tỉnh là Vạn Gia, Mũi Chùa, Cẩm Phả, Hòn Gai đang khai thác. Các cụm cảng khác như Hải Hà, Khu Tiền Phong - Đầm Nhà Mạc cũng đang được đầu tư khá mạnh mẽ. Đặc biệt, từ năm 2004 đến nay, cụm cảng nước sâu Hòn Gai - Cái Lân đã mở rộng hai lần, được đầu tư đồng bộ với trang thiết bị hiện đại, năng lực đứng đầu cả nước như: cẩu bờ STS loại Panamax tầm với 17 hàng container; dịch vụ xếp dỡ hàng siêu trọng đến 100 tấn tại móc cẩu… năng lực tiếp nhận tàu lên đến 80.000 tấn vào làm hàng.
Cùng với đó, hạ tầng giao thông trong tỉnh đang được đầu tư đồng bộ, hệ thống đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Cái Lân đang dần hoàn thiện, các tuyến cao tốc đang khẩn trương được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho cảng Cái Lân cũng như các cảng biển khác trên địa bàn kết nối với các trung tâm kinh tế, với các cửa khẩu, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh… tạo ưu thế cạnh tranh phát triển cảng biển và logistic.
Mới đây, theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Thủ tướng yêu cầu Quảng Ninh đẩy mạnh liên kết phát triển, phấn đấu trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế của cả vùng. Cùng với các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh phải là trung tâm giao lưu quốc tế, một điểm đến cho nhà đầu tư, du khách, hàng hóa và những ý tưởng sáng tạo đột phá, giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Quảng Ninh đang tập trung xây dựng một số giải pháp liên quan đến đầu tư hạ tầng logistics; đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh; xây dựng quy hoạch, các cơ chế, chính sách về dịch vụ logistics; phát triển thị trường logistics; tuyên truyền các cam kết, phát triển thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, sàn giao dịch logistics và hội nhập quốc tế; thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước vào logistics; nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển dịch vụ logistics trọn gói (3PL, 4PL, 5PL).